Monthly Archives: October 2018

26. Sigmund Freud – Phân tâm học và Ý thức con người về tầm quan trọng của chính mình

Tôi muốn mô tả làm thế nào mà lòng ái ngã của con người, cho đến nay, đã gánh chịu ba cú đánh khốc liệt từ việc nghiên cứu khoa học.

(a) Trong các thời kỳ nghiên cứu ban sơ, thoạt đầu, con người tin rằng nơi chốn trú ngụ của anh ta — quả địa cầu này – là trung tâm bất động của vũ trụ, với mặt trăng, mặt trời và các vì sao chuyển động xung quanh. Lúc này, anh ta đã chạy theo các tiếng gọi của giác quan một cách ngây thơ, bởi vì anh ta không cảm nhận được sự chuyển động của quả địa cầu, đồng thời tại bất cứ nơi nào không bị cản trở tầm nhìn, anh ta đều thấy mình đang đứng ở trung tâm của một vòng tròn bao quanh thế giới bên ngoài. Đối với anh ta, vị trí trung tâm của trái đất, hơn nữa, lại là một biểu hiện của một vai trò thống ngự trong vũ trụ, đồng thời tỏ ra thích hợp với khuynh hướng tự xem mình là chúa tể của thế giới này.

Sự suy tàn của ảo ảnh mang tính ái ngã này được gắn liền với tên tuổi và tác phẩm của Copernicus vào thế kỷ mười sáu. Nhưng trước đó rất lâu, những người theo học thuyết Pythagore đã cảm thấy hồ nghi về địa vị ưu trội của trái đất. Vào thế kỳ mười ba trước Công nguyên, Aristarchus đã tuyên bố rằng trái đất nhỏ hơn mặt trời rất nhiều và chuyển động xung quanh thiên thể này. Do vậy có thể nói sự khám phá vĩ đại của Copernicus đã được thực hiện trước đó. Khi sự khám phá này được thừa nhận rộng rãi, lòng ái ngã của con người đã bị giáng một cú đấm đầu tiên, cú đấm vũ trụ học.

(b) Trên con đường phát triển của nền văn minh, con người đã chiếm được một địa vị thống trị đối với các sinh linh khác trong vương quốc động vật. Nhưng vì không thỏa mãn với uy thế này, anh ta liền đặt một hố thẳm cách ngăn giữa bản chất của mình và bản chất của các động vật còn lại. Anh ta phủ nhận sự sở hữu lý trí của chúng, đồng thời gán cho chính mình một linh hồn bất tử, và tạo ra một nguồn gốc thiêng thánh cho phép anh ta phá bỏ mối quan hệ buộc ràng giữa anh ta và thế giới động vật. Nhưng thật là dị thường khi hành động kiêu mạn này vẫn tỏ ra xa lạ với trẻ con, chỉ vì nó xa lạ với con người nguyên thủy. Điều này là kết quả của một giai đoạn phát triển sau đó, một giai đoạn phát triển mang tính tự phụ, kiêu căng. Ở mức độ tôn thờ vật tổ, người nguyên thủy không hề chống lại việc truy nguyên dòng dõi của mình từ một vị tổ tiên có nguồn gốc động vật nào đó. Trong các câu chuyện thần thoại, các vị thần thường mang vóc dáng thú vật, và trong hội họa thời kỳ sơ khai, người ta đã vẽ những vị thần có đầu thú vật. Một đứa bé không thể thấy được sự khác biệt giữa bản chất của nó và bản chất của thú vật. Nó cũng không hề kinh ngạc về chuyện thú vật có thể suy nghĩ và chuyện trò trong các câu chuyện thần tiên; nó sẽ truyền một cảm xúc kính sợ nào đó, mà nó dành cho người cha, sang một con chó hoặc con ngựa, và khi làm điều này, nó không hề chủ tâm xúc phạm đến người cha của nó. Trước khi trưởng thành, nó không hề khinh ghét thú vật tới mức phải dùng tên của chúng để miệt thị con người.

Tất cả chúng ta đều biết rằng cách đây hơn nửa thế kỷ, nhiều cuộc nghiên cứu của Charles Darwin và đồng nghiệp đã đặt dấu chấm hết cho cái giả thuyết về địa vị cao trọng của con người. Con người không phải là sinh vật khác với các động vật còn lại, và cũng không cao quý hơn chúng; tổ tiên của anh ta cũng là thú vật, đồng thời con người có mối liên hệ vừa rất gần với một số loài, vừa rất xa với các loài khác. Các thành quả mà anh ta đã làm được không thể xóa bỏ các chứng tích về sự sự bình đẳng giữa anh ta với các động vật khác, cả trong cấu trúc cơ thể lẫn tâm tính. Đây là cú đánh thứ hai, cú đánh sinh học, giáng vô lòng ái ngã của con người.

(c) Cú đánh thứ ba, cú đánh tâm lý, có lẽ là cú đánh gây nhiều thương tích nhứt.

Mặc dầu rất tầm thường trong các mối tương quan với thế giới bên ngoài, nhưng con người thường nghĩ rằng anh ta có khả năng tột đỉnh trong phạm vi tâm thức. Ở nơi nào đó trong tận cùng bản ngã, anh ta đã phát triển một cơ quan quan sát để giám sát các thúc giục và hành vi của mình, đồng thời để xem chúng có hòa hợp với các đòi hỏi của cơ quan quan sát ấy hay không. Nếu chúng không, thì chúng sẽ bị ngăn chặn và hủy bỏ một cách không thương xót. Năng lực nhận thức bên trong của anh ta, vô thức, sẽ mang đến cho bản ngã những thông tin về tất cả những biến cố quan trọng nằm trong sự hoạt động của tinh thần; và ước muốn, khi được điều khiển bới các thông tin này, sẽ thi hành cái mà bản ngã ra lệnh và sẽ bổ sung bất cứ thứ gì để tìm cách tự thành tựu một cách tự nhiên. Tinh thần không hề là một thực thể giản đơn; trái lại, nó là một hệ thống bao gồm các cơ quan thượng cấp và thuộc cấp, một mê trận của các thúc giục tranh đấu với nhau để hình thành hành vi, khi hành vi đó phù hợp với vô số bản năng và các mối tương quan với ngoại giới. Đa phần các bản năng và mối tương quan này thường trái ngược và không thích hợp với nhau. Để hoạt động một cách thích hợp, nhứt thiết cơ quan tối thượng trong số các cơ quan này phải có hiểu biết về tất cả những gì đang diễn ra, và ước muốn của cơ quan tối thượng này phải thâm nhập khắp mọi nơi nhằm tạo ra ảnh hưởng. Trên thực tế, bản ngã cảm thấy an tâm đối với tính trọn vẹn và đáng tin của các thông tin mà nó nhận được, và đối với tính thông thoáng của các kênh thông tin mà thông qua đó nó đưa ra các mệnh lệnh.

Trong một số căn bệnh — kể cả những căn bệnh loạn thần kinh chức năng mà chúng tôi đã nghiên cứu cẩn thận — mọi việc diễn ra theo một cách khác. Bản ngã cảm thấy bất an; nó phải đối phó với các trở ngại đối với quyền lực của nó trong chính ngôi nhà của nó – tinh thần. Các suy nghĩ đột nhiên xuất hiện mà không có ai biết rằng chúng từ nảy sinh từ đâu, và cũng không có ai có thể tống khứ chúng đi. Những vị khách xa lạ này thậm chí còn có vẻ mạnh hơn những vị khách chịu sự điều khiển của bản ngã. Chúng chống lại tất cả các biện pháp cưỡng buộc của ước muốn, trở nên bình thản trước sự phản luận thuận lý, và không bị tác động bởi các khẳng định đối kháng của thực tại. Một trường hợp khác, các thúc giục đột nhiên có vẻ giống như là những thúc giục của người lạ, khiến cho bản ngã không thể thừa nhận chúng, rồi sợ hãi và đề phòng chúng. Khi đó, bản ngã sẽ tự nói với mình như vầy: “Đây là một chứng bệnh, một sự xâm lăng của thế lực ngoại lai.” Sau đó, nó liền gia tăng sự cảnh giác, nhưng đồng thời không thể hiểu được tại sao nó lại bị tê liệt một cách dị thường.

Tâm thần học phủ nhận rằng những điều như thế là sự xâm nhập từ bên ngoài vô tâm thức của người bệnh; ngoài điều này ra, tâm thần học chỉ có thể nhún vai nói rằng: “Nguyên nhân của chúng là do sự thoái hóa tâm thần, do khuynh hướng hành xử có tính chất di truyền, do sự suy nhược về thể chất!” Phân tâm học đã bắt đầu giải thích các chứng rối loạn kỳ bí này; nó tiến hành những cuộc khảo cứu một cách cẩn thận và gian khó; nó đưa ra các giả thuyết và những lý giải khoa học; và cuối cùng nó có thể nói như thế này với bản ngã:

“Không có gì từ bên ngoài thâm nhập vô trong ngươi cả; một phần nào đó trong các hoạt động của tinh thần ngươi đã bị đưa ra khỏi sự hiểu biết của ngươi và khỏi sự chi phối của ý chí ngươi. Đó cũng là lý do tại sao ngươi bị suy yếu trong cuộc phòng vệ; ngươi đang dùng phần sức mạnh này của mình để chống trả với phần sức mạnh kia, và ngươi không thể nào tập trung toàn lực như ngươi mong muốn để đương cự với một kẻ thù ngoại lai nào đó. Và không phải phần kém cỏi nhứt trong các tác lực tinh thần của ngươi đã trở nên đối kháng và thoát khỏi sự chi phối của ngươi. Trách nhiệm này, ta buộc phải nói như vậy, nằm về phía ngươi. Ngươi đã đánh giá quá cao sức mạnh của ngươi, khi ngươi nghĩ rằng ngươi có thể tùy ý chi phối các bản năng tính dục của ngươi, đồng thời hoàn toàn lờ đi các ước muốn của chúng. Kết quả là chúng đã nổi loạn và đã chọn con đường ít ai biết đến để vượt thoát khỏi sự áp chế này; chúng đã thiết lập cho mình những quyền hạn theo một cách thức mà ngươi không thể tán thành. Phương pháp mà chúng đạt được điều này, đồng thời những con đường mà chúng đã chọn, là những thứ mà ngươi không hề biết. Tất cả những gì ngươi biết là những hậu quả do sự hoạt động của chúng gây ra — tức là những triệu chứng đau đớn mà ngươi phải trải qua. Do đó, ngươi không thừa nhận nó như là một căn bệnh xuất phát từ các bản năng bị chối bỏ của chính ngươi, và không biết rằng căn bệnh đó là một phản ứng bù đắp của chúng.

“Tuy nhiên, toàn bộ tiến trình chỉ có thể diễn ra thông qua một trường hợp đơn nhứt mà ngươi đã bị hiểu lầm trong một điểm quan trọng khác. Ngươi cảm thấy chắc chắn rằng ngươi đã được thông báo về tất cả những gì đang diễn ra trong tâm thức của ngươi, nếu như chúng là những điều quan trọng, bởi vì, trong trường hợp này, ngươi tin rằng ý thức của ngươi đã mang đến những thông tin về chúng cho ngươi. Và nếu ngươi không có thông tin về một điều gì đó trong tâm thức, ngươi liền tự tin nghĩ rằng điều đó không tồn tại. Ngươi thường thường đi đến việc coi những thứ có tính chất “tâm thần” hoàn toàn giống với những thứ có tính chất “ý thức” – nghĩa là những thứ ngươi nhận biết — bất chấp một chứng cứ hết sức rõ ràng là lúc nào cũng có rất nhiều thứ hơn đang diễn ra trong tâm thức của ngươi, so với những thứ mà ý thức của ngươi có thể nhận biết. Nào hãy đến đây để học một điều gì đó về vấn đề này! Những gì nằm trong tâm thức của ngươi không hề trùng khớp với những gì ngươi ý thức được; có cái gì đang diễn ra trong tâm thức của ngươi hay không, và ngươi có “nghe” được cái đó hay không, là hai điều hoàn toàn khác nhau. Ta thừa nhận rằng trí thông minh, cái đã tạo nên ý thức của ngươi, thường là yếu tố đủ để đáp ứng các nhu cầu của ngươi; và ngươi có thể ấp ủ ảo tưởng rằng ngươi đã biết hết mọi điều quan trọng. Nhưng trong một số trường hợp, như trong trường hợp của một sự xung đột bản năng mà ta đã mô tả, trí thông minh của ngươi chỉ phụng sự cho sự suy nhược thần kinh và ý muốn của ngươi, khi đó, không thể vươn xa hơn sự hiểu biết của ngươi. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, các thông tin đến được vùng ý thức của ngươi đều có tính chất bất toàn và thường là không thể dựa vô. Nhiều khi ngươi nhận được những thông tin về các biến cố vào lúc chúng đã trôi qua, và vào lúc ngươi không còn có thể làm được điều gì để đổi thay chúng. Ngay cả khi ngươi không đau yếu, ai có thể chỉ ra được tất cả những gì đang khuấy động trong tâm thức của ngươi, những thứ mà ngươi không hề hiểu biết hoặc được thông báo một cách sai lạc về chúng? Ngươi hành xử như một nhà toàn trị, kẻ mà lúc nào cũng đồng ý với các thông tin được các viên chức cao cấp nhứt cung cấp và không bao giờ vi hành để lắng nghe tiếng nói của người dân. Hãy nhìn vô bên trong, hãy đưa mắt vô những chốn sâu thẳm và bắt đầu học cách nhận thức về chính mình! Khi đó, ngươi sẽ hiểu tại sao ngươi phải ngã bệnh, và có lẽ ngươi sẽ tránh được điều ấy trong tương lai.”

Nhà phân tâm đã tìm cách dạy dỗ bản ngã như thế. Nhưng hai khám phá này — đời sống của các bản năng tính dục không thể bị thuần hóa hoàn toàn; và các hoạt động tâm thần đều có tính vô thức, và chỉ có thể đến với bản ngã để chịu sự chi phối của nó thông qua các năng lực nhận thức bất toàn và không đáng tin — rốt cuộc đã nói lên một điều rằng bản ngã không phải là chủ nhân ông trong căn nhà của chính nó. Hai khám phá này hợp lực với nhau để tung ra cú đấm thứ ba – cú đấm mà tôi gọi là cú đấm tâm lý – vô lòng ái ngã của con người. Khi đó, không có gì ngạc nhiên rằng bản ngã không hề có cái nhìn tốt đẹp dành cho phân tâm học, đồng thời khước từ tin cậy vô nó.

Có lẽ rất ít người nhận thức được ý nghĩa trong đại, đối với khoa học và cuộc sống, của việc công nhận các hoạt động tâm thần có tính vô thức. Tuy nhiên, cần phải nói ngay rằng, không phải nhà phân tâm học là người đầu tiên thực hiện bước đi này. Có nhiều triết gia nổi tiếng, những người có thể được xem như là kẻ tiên phong, đã làm như thế. Đáng kể hơn hết là tư tưởng gia vĩ đại Schopenhauer; khái niệm “Ý chí” có tính chất vô thức của ông hoàn toàn tương đồng với các bản năng tinh thần của phân tâm học. Hơn nữa, chính nhà tư tưởng này, qua những ngôn từ đặc sắc và khó có thể quên được, đã nhắc nhở nhân loại về tầm quan trọng của sự khát khao tính dục, một điều mà cho đến nay vẫn bị đánh giá quá thấp. Phân tâm học chỉ có duy nhứt một lợi điểm, đó là: nó không xác nhận hai vấn đề đang gây tổn hại cho lòng ái ngã — tầm quan trọng về tinh thần của tính dục và sự vô thức của hoạt động tinh thần – trên một căn bản trừu tượng, mà đã cho thấy rằng chúng là những vất đề ảnh hưởng đến mọi cá nhân, đồng thời không ai có thể làm ngơ trước các vấn đề này. Tuy nhiên, phân tâm học lại gặp phải sự chống đối của những người luôn luôn dành sự tôn kính cho triết gia Schopenhauer.