12b. Henry S. Churchill – Đô thị là con người

2

Không một thành phố nào của Mỹ mang dáng dấp của một thành lũy thời trung cổ. Không thành phố nào ở đây từng có tường thành vây quanh như thành Carcassonne[1]. Ngay ban đầu, các thành phố của chúng ta đều là thành phố mở, thành phố buôn bán, thành phố tự do. Hàng rào phòng thủ chỉ là những cọc bằng gỗ để chống lại người da đỏ.

Vì lý do này, các thành phố thuộc địa mang một kiểu mẫu hoàn toàn khác với bất cứ thành phố nào ở Âu châu. New Amsterdam và Charleston là những dấu vết còn sót lại của kiểu phòng thủ Âu châu, nhưng Wall Street đã sớm trở thành một danh xưng và các thành lũy của Charleston thì không tồn tại lâu dài.

Ở miền bắc, ngoại trừ các thành phố vùng duyên hải, nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, sinh hoạt xã hội rất giản đơn và giới hạn. Tầm quan trọng được đặt vào thái độ hợp lẽ đối với Chúa và thái độ khôn ngoan đối với người láng giềng, vào quyền làm chủ đất đai, quyền tham gia các hoạt động chính trị, và dần dần, quyền làm phong phú đời sống bằng giáo dục và có được nhiều hàng hóa từ nước Anh và phương Đông. Các bản phác đồ những thành phố này đều lấy những khu đất công cộng làm trung tâm; ngoài điều đó ra, thì các con đường cũ và địa hình là những yếu tố tác động nhiều nhất đến bố cục của chúng.

Các thành phố nhỏ, đặc biệt là các “thành phố trên đồi”, có một hệ thống nguyên lý thẩm mỹ hoàn toàn khác, mà Litchfield, Connecticut là những thí dụ tuyệt mỹ, nhưng không phải độc nhất, về điều này. Litchfield được thành lập vào năm 1720 như là một khu vực thuộc Hartford. Thành phố này được quy hoạch. Có sáu mươi lô đất, mỗi lô mười lăm mẫu Anh, và người mua phải rút thăm để chọn lựa. Mục sư và giáo viên, mỗi người được chia thêm hai mươi mẫu Anh. Những vùng đất đẹp này đều có một con đường phụ dài khoảng một trăm năm mươi mét chạy ngang phía trước; các con đường chính có chiều rộng từ bảy mươi chín đến một trăm lẻ hai mét, có bãi cỏ xanh và hàng cây hai bên đường, tạo nên một quang cảnh kỳ vĩ. Nhà cửa, tất nhiên, đều là những ngôi nhà dành cho một gia đình, được xây dựng vừa phải và là những thí dụ tinh tế về kiến trúc bằng gỗ. Mỗi căn nhà là công trình kiến trúc đơn lẻ, có cây xanh, hàng rào màu trắng và sân vườn. Mười lăm mẫu đất, rốt cuộc, được chia nhỏ, nhưng Litchfield cũng đã không phát triển quá lớn để đánh mất sự cảm nhận về không gian. Đó là quan niệm về nhà cá nhân được xây trên lô đất riêng, không liên quan gì đến người láng giềng; đây chính là đặc điểm cốt lõi trong quy hoạch đô thị của người Mỹ, dẫu cho nó có xa rời các chuẩn mực đến đâu đi nữa.

Ở miền Nam, mọi thứ có khác đôi chút. Thay vì là một tổ chức nông trang dân chủ, nó lại mang tính chất quý phái của người chủ đất hoặc chủ đồn điền. Tiêu điểm không nằm ở nơi tụ họp của thành phố và nhà thờ, mà được đặt vào dinh thống đốc và thượng nghị viện. Sự khác biệt này rõ ràng là nằm ở điểm nhấn mạnh trong phác đồ thành phố. Truyền thống miền nam hầu như có nguồn gốc từ truyền thống của những khu vườn to lớn và từ tính trang trọng của các tòa nhà quý phái. Williamsburg cho ta thấy điều này một cách rõ ràng bằng trục đường thẳng giới hạn bởi tòa nhà của cơ quan lập pháp và trường đại học William and Mary, bằng dinh thống đốc tọa lạc cuối một trục đường phụ, nhưng rộng lớn, và bằng mối tương quan có chủ ý giữa nhiều đường phụ và các khoảng đất trống. Williamsburg là một bản phác đồ của các mối tương quan vi tế, là một “dự án lớn” được thu nhỏ cho phù hợp với con người. Điều xảy đến cho nó vào thời kỳ thuộc địa và sự trùng tu gần đây là một thí dụ minh chứng cho tất cả những sai lầm trong việc phát triển các dự án dân sự của chúng ta. Đường chính trở nên hỗn độn vì các cửa hiệu và nhà cửa xây dựng tạm bợ, vì những trạm xăng và các gian hàng bên lề đường, và vì sự thiếu quan tâm đến trật tự và chỉ giới xây dựng; đường phụ thì bị hư hỏng, đất đai bị chia nhỏ và không có sự kiểm soát trong xây cất. May mà cái khuôn sườn căn bản còn rõ nét, cho nên vẫn có cơ hội trùng tu; và mặc dầu việc trùng tu có thể tốn kém, nhưng nó sẽ mang lại cho chúng ta một thí dụ tốt nhất về việc quy hoạch một thành phố nhỏ mà đất nước này đã từng tạo ra.

Philadelphia là một thí dụ khác. Penn[2] tinh tế và sắc sảo, và ông nhìn thấy được ở đoạn rộng của dòng sông Delaware một lối thoát to lớn cho lãnh địa của ông. Ông (đúng hơn là nhân viên trắc địa của ông, Thomas Holme) đã đặt Thành phố của Tình Huynh Đệ[3] trong một khu vực hình chữ nhật, chạy dài từ dòng Delaware đến dòng Schuylkill, là thành phố đầu tiên trong các thành phố được quy hoạch theo dạng ô bàn cờ, và cũng là thành phố đầu tiên được xây dựng mà không chú trọng đến những khoản lợi nhuận có tính đầu cơ. Các lô đất đều lớn, khoảng 120 mét mỗi cạnh, và các con đường, ngoại trừ đường Market và đường Broad, đều không quá rộng. Các lô đất này quá rộng lớn, và không thể đi đến vùng trung tâm; cuối cùng là chúng bị chia cắt ở giữa bằng các con đường nhỏ, và việc này đã làm hỏng cảnh quan thành phố. Sự quy hoạch ấy hoàn toàn không có tính sáng tạo, nhưng vẫn được thực hiện. Mọi lô đất đều tốt như nhau, nếu không kể đến, tất nhiên, lợi thế thương mại của những lô nằm ven dòng sông Delaware. Thành phố bị phân chia bởi hai con đường Market và Broad cắt thẳng góc với nhau, tạo ra một khu đất hình vuông nhỏ ở mỗi phần tư và một khu có kích thước rất đẹp ở nơi giao nhau. Khu đất sau hình thành một điểm trung tâm duy nhất, do đó cuối cùng đã được chọn một cách hợp lý để xây dựng tòa thị chính. Đương nhiên, Philadelphia đã biện minh cho viễn kiến và niềm tin của Penn vào tầm quan trọng thương mại và kỹ nghệ của nó; nhưng thành phố này, với vai trò là một nơi để sinh sống và làm việc, vẫn còn đang gánh chịu những hậu quả từ sự khô khan trong dự án quy hoạch của ông.

(còn tiếp)

__________

[1] Thành phố nằm về phía nam Toulouse của nước Pháp.

[2] William Penn: người thành lập thuộc địa Pennsylvania vào năm 1682.

[3] Philadelphia theo tiếng Hy-lạp (Φιλαδέλφεια) có nghĩa là tình huynh đệ.

Leave a comment